Truyền nhận quà của Tổng bí thư tặng năm 2007 - Ảnh: ĐĂNG NAM |
Vụ lật thuyền dưới chân đèo Hải Vân (Đà Nẵng) năm 2007 đã cướp đi sinh mạng của tám thường dân. Trong vụ lật thuyền trên biển ấy, Trần Văn Truyền lúc đó mới 14 tuổi, đang học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thái Bình (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã cứu sống 11 con người.
Truyền được phong là hiệp sĩ nhí và trở thành hình mẫu mà Trung ương Đoàn kêu gọi đội viên cả nước noi theo. Trên mạng Internet còn phát động chương trình “Thổi bùng ngọn lửa nhân ái Trần Văn Truyền”. Vậy hiệp sĩ nhí giờ như thế nào?
“Thay đổi mau lẹ”
Diễn biến vụ đắm thuyền năm 2007 Sáng 29-4-2007, một nhóm bạn gồm 22 người ở Đà Nẵng lên bãi biển Nam Ô thuê thuyền để ra làng Vân chơi cùng với hai người lái thuyền. Rời bến chừng 30 phút đến bãi Hẵm thì thuyền chao đảo và lật úp. Sáng hôm đó, Truyền trong lúc câu cá ở bãi Hẵm thì phát hiện thuyền chở nhiều người đang chìm cách bờ chừng 150m. Truyền chạy ngược lên rẫy gọi cha rồi tri hô. Ông Mến bứt ống dẫn nước bằng nhựa dài chừng 50m của mình chạy xuống ghềnh và kêu cứu. Nghe tiếng kêu, hai anh em Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Hoạch đang câu cá gần đó cũng chạy đến. Truyền thoăn thoắt vòng đoạn dây thừng qua lưng mình, nhảy ùm xuống biển bơi nhanh ra phía những người bị nạn... Truyền tháo ống dây nước ra và địu nhóm người đang bu vào thùng xốp giữa biển bám vào dây. Cậu bé bơi theo, đồng thời ra ký hiệu cho cha cùng hai chú trên bờ kéo những người bị nạn vào... Chuyến đầu có sáu người bám vào được. Khi sáu người may mắn đầu tiên vừa chạm bờ, để cho ba và các chú lo, Truyền lại lao ra biển cứu những người còn lại. Dù kiệt sức, Truyền vẫn gắng gượng chạy về chòi của mình lấy tất cả quần áo của hai cha con xuống ủ ấm cho mọi người. Cha con Truyền, anh em Trung, Hoạch đã cứu sống được 16 người. Tám người còn lại bị chết. |
Đã năm năm trôi qua nhưng dân ở vùng Kim Liên (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) vẫn nhớ rất rõ tên của hiệp sĩ nhí nên mới nghe nhắc đến họ đã hào hứng chỉ đường đến nhà. Đúng ngày thứ bảy nên Truyền được nghỉ tập luyện và ở nhà chơi với cháu cùng cha mẹ. Mới nhìn, hẳn nhiều người sẽ không thể nhận ra hiệp sĩ nhí ngày nào bởi thân hình vạm vỡ của một vận động viên bơi lội. Trong ngôi nhà nhỏ, tấm bằng chứng nhận “Vinh quang VN” do Chủ tịch nước trao tặng năm 2011 được treo trang trọng giữa nhà...
Lần ra tay nghĩa hiệp cứu người của Truyền và cha đã thay đổi cuộc sống của cả gia đình. Từ một cậu bé quanh quẩn theo cha lên rẫy, theo chúng bạn ra biển vớt cá thải, Truyền đã bước ra một thế giới mới. “Chưa bao giờ em hình dung cuộc đời mình lại thay đổi mau lẹ đến vậy” - Truyền tâm sự.
Ngày 29-4-2007, khi lao vào dòng nước biển lạnh căm, vượt qua những con sóng vỗ rát mặt cứu người ai cũng nghĩ Truyền là tay bơi có hạng, nhưng thật ra Truyền mới tập tành biết bơi được hơn tháng trời. Bà Nguyễn Thị Lùm (mẹ Truyền) giọng chân chất kể: “Mỗi khi có thuyền đánh cá cập vô bãi Kim Liên là nó lại lẽo đẽo theo thuyền để vớt cá bèo nhèo mang về nhà ăn. Cứ vậy nên nó dạn nước lắm. Chẳng ai dạy bơi, tự nó ra biển miết mà quen rồi bơi được”.
Bởi vậy nên khi ông Trần Văn Mến (ba Truyền) thấy con trai cuộn dây vào mình và lao ra biển cứu người cũng sửng sốt: “Quái lạ, thằng ni học bơi khi mô mà liều dữ vậy”. Sau này ông Mến mới biết ngoài những lần theo ghe thuyền cập bến, Truyền còn hay theo chúng bạn vào suối Lương bơi lội nên rành bơi là vậy...
Sau khi cứu người, Truyền trở thành một hiện tượng, nổi tiếng cả nước. Biết tin này, lãnh đạo ngành thể thao Đà Nẵng đã xuống tận nhà để “xem giò” và chọn em tham gia đội bơi lội của thành phố.
HLV Phan Thanh Toại - trưởng bộ môn bơi lội Đà Nẵng (Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV Đà Nẵng) - nhớ lại: “Mới gặp cậu bé tôi cũng bất ngờ. Em nhỏ nhắn, hiền như cục đất nhưng đã dũng cảm cứu hơn chục người khiến nhiều người ngỡ ngàng”. 15 tuổi, Truyền xách balô theo các thầy lên trung tâm tập luyện. Từ cậu bé vùng quê nghèo chuyên chạy theo ghe thuyền kiếm cá, từ hiệp sĩ nhí, Truyền bắt đầu đến với môi trường thể thao chuyên nghiệp, đến với đường đua xanh thật sự. Ngày chia tay để con lên đội tuyển, vợ chồng ông Mến cũng lo lắm vì thằng Truyền còn nhỏ quá, chưa bao giờ đi ra khỏi vùng quê Kim Liên... Vậy nhưng những lo lắng đó đâm ra thừa. Ông Mến cũng phải tấm tắc khen con: “Ngó vậy chớ nó xa nhà năm năm trời nhưng chẳng bao giờ khóc. Cứ hiền hiền, ít nói vậy nên ai cũng thương”.
Đều đặn, mỗi tuần Truyền ăn ở, tập luyện trên đội với bạn bè, cuối tuần lại đón xe thồ về ngoại ô Đà Nẵng thăm cha mẹ. HLV Phan Thanh Toại cũng cảm kích cậu bé nhà quê bởi sự chịu khó tập luyện của Truyền. “Em nó tốt tính mà chăm chỉ lắm. Chẳng mất lòng ai bao giờ” - HLV Toại chia sẻ.
Năm 2008, hiệp sĩ nhí đã chinh phục đường đua xanh và mang về tấm huy chương bạc đầu tiên trong nghiệp thể thao của mình ở giải Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Sau này, Truyền còn đoạt được nhiều huy chương ở các giải đấu cấp quốc gia...
“Con đường mang tên Trần Văn Truyền”
Ngày đến nhà Truyền, những người hàng xóm chỉ con đường bêtông rộng 3m, dài hơn 300m vui vẻ nói: “Đường ni ngắn vậy mà có tên hẳn hoi à. Đường Trần Văn Truyền đó”. Sự thật thì con đường này chẳng có cái bảng ghi tên là đường Trần Văn Truyền, mà nó có sự tích liên quan đến hiệp sĩ nhí.
Câu chuyện bắt đầu khi ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đến thăm và tặng quà cho hiệp sĩ nhí. Khi vào con đường lầy lội bùn đất và vướng víu những vạt cây bạc hà, ông Thanh đã yêu cầu làm gấp một con đường bêtông và phải hoàn thành trong vòng mười ngày. Vậy là người ta đưa máy móc, nhân công xuống làm một lèo chưa đến mười ngày đã có con đường mới toanh. Từ đó, dân làng không còn cảnh lấm lem bùn đất. Họ cảm ơn Truyền vì nhờ cậu bé mà có con đường mới và họ lấy tên con đường là tên Trần Văn Truyền.
Tên con đường là cách để người dân nơi đây ghi nhớ công lao của Truyền. Nhưng đâu chỉ có vậy, Truyền đã trở thành một “con đường” tạc vào lòng dạ bao nhiêu con người VN. Ông Mến lấy một chồng thư từ, báo chí được để cẩn thận trong một hộp bằng kính có ghi chữ CLB Thái Phiên tặng. “Các bác cựu lãnh đạo, hưu trí của thành phố lên thăm thấy nhà nghèo quá không có chỗ lưu giữ làm thư từ, giấy khen nhòe hết nên các bác về đóng một cái hộp kính mang lên tặng” - ông Mến cho hay. Những lá thư phương xa cũng tới tấp đến với Truyền và gia đình.
“Với người khác, họ viết thư cho diễn viên, ca sĩ họ hâm mộ. Nhưng chị khác. Chị viết thư cho Truyền - cậu bé nhí mà chị đem lòng mến phục. Chị bị thuyết phục bởi lòng dũng cảm. Cuộc sống này có quá nhiều lo toan, phiền muộn. Những câu chuyện về người xả thân vì người khác làm trái tim chị ấm lại...” - chị Tường Vân, ở TP.HCM, đã viết cho Truyền như vậy.
Phía trước gian nan
Trần Văn Truyền bây giờ là vận động viên bơi lội. |
"Nó cứu người xong báo viết nhiều vô kể. Họ gửi báo về tặng chất thành đống trong nhà ấy chứ. Nhưng rồi cứ vài ba hôm lại có thầy cô giáo đến xin. Tui thấy lạ hỏi xin làm chi, mấy thầy nói: “Tụi cháu mang các bài viết này đến lớp để dạy cho học sinh”. Báo mình quý mình giữ nhưng các thầy nói có ích vậy sao nỡ từ chối" Ông Trần Văn Mến (ba Truyền) |
Bao năm trôi qua nhưng gia đình Truyền vẫn nhớ đến ngày giỗ tập thể của những người xấu số trong vụ lật thuyền năm xưa. Cứ đến ngày 29-4, Truyền lại cùng ông Mến đi bộ mấy cây số ra mỏm đá sát bờ biển để thắp hương cúng bái. Những năm trở lại đây sức khỏe ông Mến cũng đã yếu. Vậy nhưng ông vẫn đều đặn lên rẫy chuối cả tuần rồi đi câu cá để cải thiện bữa ăn.
“Ngày trước có thằng Truyền đi cùng hai cha con nói chuyện đỡ buồn. Từ ngày nó đi tập luyện, còn mình tui thui thủi đi về thôi à” - giọng ông Mến trầm đi. Có người hỏi sau lần cứu 11 người, có ai trong số họ tới nhà chơi không, ông Mến nhìn mông lung ra phía chân trời nói: “Chẳng ai tới cả. Mình cứu người đâu phải để họ mang ơn, trả ơn. Nhưng nghĩ nếu có họ tới thăm thì để biết nhau mà qua lại thôi”.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi nhận được tin từ bộ môn bơi lội Đà Nẵng. Lãnh đạo đội đang tìm hướng đi cho Truyền bởi Truyền không thể phát triển được nữa. Truyền dang dở trên đường đua xanh khi chưa có bằng tốt nghiệp THPT nên không thể đi học ĐH thể dục thể thao được. Con đường thể thao chuyên nghiệp dường như đã đóng sập lại. “Chúng tôi đang liên hệ với một số khách sạn lớn để xin cho Truyền vào đội cứu hộ hoặc dạy bơi tại đó nhưng vẫn chưa có kết quả” - một lãnh đạo bộ môn cho biết. Phía trước của hiệp sĩ nhí hãy còn lắm gian truân.
ĐOÀN CƯỜNG
Bạn đọc muốn gặp lại nhân vật nào, muốn biết số phận của những con người, câu chuyện, sự việc nào báo chí từng phản ánh, vui lòng “đặt hàng” vớiTuổi Trẻbằng cách gửi email về địa chỉ chuyenaybaygio@tuoitre.com.vn . |
Nguồn: tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét