Sử dụng lão tướng Giggs như thế nào cũng là một bài học của Sir Alex hiện nay
NHỮNG “PHÁT HIỆN” CỦA M.U
Từ trận thua Norwich (0-1), người ta nhận ra một điều tưởng chừng rất đơn giản: không có gì đáng khen nếu một đội bóng thường xuyên bị thủng lưới trước. M.U đã che mờ đi thực tế bằng 8 trận lội ngược dòng ở tất cả các đấu trường mùa này, tạo ra một ấn tượng đậm đà về đẳng cấp của một đội bóng lớn. Nhưng thủng lưới trước là không tốt.
Sức chiến đấu của M.U mùa này chỉ luôn được phát huy tối đa sau khi họ bị dồn vào chân tường. Trong hầuhết các lần đó, họ gượng dậy được. Nhưng đêm thứ Bảy vừa qua thì không. Và bây giờ là lúc thôi tán dương cái gọi là “bản lĩnh” đến sau khi đã vấp ngã, mà cần nhìn vào thực tế: tại sao M.U không thể có nhịp độ tấn công mạch lạc ngay từ đầu trận?
Bài học thứ hai, quan trọng hơn, là về sự có mặt của Wayne Rooney trên sân. Robin van Persie cũng khiến khán giả và những nhà phân tích choáng ngợp với thành tích ghi bàn của anh trong mùa đầu tiên ở Old Trafford. Nhưng trước Norwich, khi cả Kagawa và Rooney cùng chấn thương, tiền đạo người Hà Lan buộc phải đảm nhiệm vai trò vệ tinh, thường xuyên phải lùi về hoặc dạt ra cánh để hỗ trợ cho Chicharito, anh chơi không tốt.
Xét về mặt lý thuyết, Van Persie có thể đá lùi: anh có khả năng cầm bóng, quan sát tốt và chuyền. Nhưng câu trả lời chỉ có sau kiểm chứng thực tế. Và thực tế nói không với một Van Persie rời xa vị trí tiền đạo cắm.
Ryan Giggs cũng có thể được coi là một “bài học”. Sự xuất hiện của anh tại Carrow Road chỉ khiến người ta thêm tôn thờ... Ryan Giggs, nhưng là của 2 năm về trước. Anh nhận điểm 4/10 của nhiều tờ báo uy tín, vì việc làm khó M.U với những đường chuyền đầy bế tắc. Hoặc Chicharito, người cũng đã rất cố gắng nhưng không thể ghi bàn: phải chăng tiền đạo người Mexico phù hợp hơn với vị trí của một siêu dự bị?
THỰC TẾ TRẦN TRỤI
Mặc dù M.U là đội chủ động tấn công, còn Norwich chơi phòng ngự phản công, và khoảng 20 phút cuối trận đấu, họ chơi với 9-10 hậu vệ. Thế nhưng số pha chạm bóng của Robin van Persie chỉ bằng 2/3 so với tiền đạo lùi bên phía Norwich là Hoolalan, và tương tự là tỷ lệ giữa hai tiền đạo cắm Chicharito và Grant Holt. Đó là một vụ hỏng hóc hệ thống.
M.U cần một sự thay đổi lớn. Bởi Norwich không làm việc gì cao siêu, mà chỉ khai triển lối chơi căn bản nhất của họ là phòng ngự số đông, trước khi sử dụng tốc độ để phát động các pha phản công nhanh. Nếu đã sụp đổ trước một thứ bóng đá đơn giản như thế, M.U có thể gặp nguy trước nhiều đối thủ.
Quỷ đỏ vẫn còn nhiều phương án. Đơn cử như việc Anderson và Cleverley vẫn ngồi dự bị, nhường chỗ cho một Ryan Giggs đã quá già cỗi. Hoặc việc đá hai tiền đạo và bắt Robin van Persie phải nhường vị trí cũng là điều không cần thiết... Sir Alex sẽ phải tự giải đáp tất cả.
“MÁY SẤY TÓC” CÓ LÀM VIỆC?
M.U tạo ấn tượng về một đội bóng có thể thay đổi số phận ở phần sau trận đấu. Nhưng thực chất, có nhiều thống kê chống lại việc này. Bàn thắng của Pilkinton khiến M.U trở thành đội thủng lưới trong 15 phút đầu hiệp 2 nhiều nhất tại Premiership với 8 bàn. Họ cũng không thể thắng trong 10/12 trận gần nhất mà tỷ số của hiệp 1 là 0-0. Trong giờ nghỉ, “Máy sấy tóc” Ferguson đang yếu dần?
CON SỐ:
1. QPR thiết lập khởi đầu tồi tệ nhất trong lịch sử Premiership với chỉ 4 điểm sau 12 vòng đấu.
2. Với 2 bàn thắng của Mertesacker và Podolski vào lưới Tottenham, lần đầu tiên trong lịch sử Premiership có hai người Đức cùng ghi bàn cho một đội bóng.
8. Với bàn thắng của Pilkinton, M.U đang là đội để lọt lưới từ đánh đầu nhiều nhất Premiership, với 8 bàn, bằng với West Brom.
13. Với thất bại trước Arsenal, Tottenham để mất 13 điểm trong thế dẫn trước. Chỉ Fulham là bảo toàn lợi thế kém hơn thày trò HLV Villas-Boas (mất 14 điểm).
19. Ghi 5 bàn vào lưới Aston Villa là chiến thắng đậm nhất trong vòng 19 tháng qua của Man City tại Premier League. Lần gần nhất họ thắng 5 bàn cách biệt là khi vượt qua Sunderland tháng 4/2011 với cùng tỷ số.
Nguồn: bongdaplus.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét